Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Thanh tra tỉnh đã tổ chức thanh tra công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quản lý xây dựng trên địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk Glong. Qua thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý đất đai tại xã Đắk Som và quanh khu vực hồ Tà Đùng. Ảnh: Vũ Linh
Thanh tra tỉnh Đắk Nông chỉ rõ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của UBND huyện Đắk Glong còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, khi lập quy hoạch sử dụng đất chưa xác định các khu vực, vị trí sử dụng đất theo chức năng sử dụng đến từng vị trí đơn vị sử dụng, chưa rà soát, đối chiếu với quy hoạch 3 loại rừng…
Khi lập kế hoạch sử dụng đất năm 2016, năm 2017, không thực hiện thủ tục điều tra, khảo sát nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân theo mục đích quy hoạch.
Việc lập, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2018, 2019, 2020 còn chậm thời gian. Không công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 – 2015); không công bố công khai 2 kế hoạch sử dụng đất năm 2016 và năm 2017.
Ngoài ra, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã Đắk Som còn chưa chặt chẽ trong việc phân giới, xác định ranh giới, diện tích thực địa các loại đất theo quy hoạch như đất nông nghiệp, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
UBND huyện Đắk Glong, UBND xã Đắk Som cũng không báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cho cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai của tỉnh…
Đối với việc đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn xã Đắk Som, đã đo đạc giải thửa gần 600ha trên đất quy hoạch 3 loại rừng, diện tích đất Nhà nước giao cho các tổ chức quản lý, sử dụng. Các thửa đất này không thuộc đối tượng được đăng ký, xét cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ), cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong nhóm đất nông nghiệp, đất ở nông thôn, nhưng tư vấn vẫn đo đạc, giải thửa, Sở Tài nguyên Môi trường đã nghiệm thu, phê duyệt đưa vào sử dụng.
Trong giai đoạn 2015 – 2016, UBND xã Đắk Som đã hướng dẫn các hộ, cá nhân đăng ký đề nghị cấp GCNQSDĐ sai mẫu theo quy định.
Qua thanh tra 788 hồ sơ cấp mới, có 701 hồ sơ không thực hiện thủ tục lấy ý kiến khu dân cư, không có phiếu lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, không có thủ tục xác nhận hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp nhưng các cơ quan chức năng vẫn xác nhận đủ điều kiện cấp sổ.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp đăng ký kê khai đề nghị cấp sổ dưới hạn mức quy định của UBND tỉnh, có trường hợp hộ gia đình cả 2 vợ chồng là công chức, viên chức không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thuộc trường hợp phải thuê đất, nhưng đã xét, cấp sổ đỏ hình thức công nhận QSDĐ nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất…
Đặc biệt, cấp 65 GCNQSDĐ/65 thửa đất với diện tích hơn 77ha nằm trên đất quy hoạch 3 loại rừng Nhà nước đã giao cho tổ chức đang quản lý, sử dụng (Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên).
Đáng chú ý, trong việc xét, cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 39, thửa 40 tờ bản đồ số 18 tại thôn 4, xã Đắk Som có nhiều vấn đề. Cụ thể, trình tự thủ tục xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất không có căn cứ, không đúng với thực tế, có dấu hiệu sửa chữa trong hồ sơ kê khai đăng ký, xác nhận, công nhận QSDĐ như giao đất không thu tiền sử dụng, cấp sổ không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng mục đích sử dụng đất, không đúng quy hoạch sử dụng đất, không đúng nguồn gốc đất do 2 thửa đất này nằm trên diện tích quy hoạch 3 loại rừng Nhà nước đã giao cho Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên quản lý.
Sau thời điểm ký GCNQSDĐ 8 ngày, một số cá nhân có liên quan thuộc UBND xã Đắk Som, Văn phòng Đăng ký QSDĐ huyện Đắk Glong thời điểm tháng 5/2015 và bà Phan Thị Liễu, vợ ông Phạm Đặng Quang đã thực hiện thủ tục chuyển nhượng QSDĐ.
Qua xác minh cho thấy việc thực hiện thủ tục chuyển nhượng có biểu hiện khuất tất, hợp lý hóa hồ sơ, chữ ký. Ông Phạm Đặng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong thời điểm tháng 5/2015 trực tiếp ký cấp lại sổ để hợp thức hóa 2 thửa đất trên sang tên cho bà Phan Thị Liễu (vợ ông Quang) và sử dụng 2 thửa đất để xây dựng Cửa hàng xăng dầu Quang Phước. Việc làm trên gây thất thoát 1.305m2 đất Nhà nước quản lý, có yếu tố vụ lợi chuyển từ đất Nhà nước quản lý thành QSDĐ của cá nhân để sử dụng đất xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Doanh nghiệp Tư nhân Quang Phước.
Đối với việc tách thửa thời kỳ 2015 – 2021, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Đắk Glong thực hiện thủ tục tách thửa đối với 163 trường hợp trên địa bàn xã Đắk Som với tổng diện tích hơn 130ha, tách 199 thửa đất thành 512 thửa đất. Trong đó, có 4 hồ sơ tách 4 thửa đất với diện tích 4,6ha thành 16 thửa đất nằm trong quy hoạch 3 loại rừng và trên diện tích đất Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây nguyên quản lý. Đối với việc cấp GCNQSDĐ theo Kế hoạch số 437/KH-UBND ngày 10/10/2014 của UBND tỉnh trên địa bàn xã Đắk Som, qua thanh tra hồ sơ 91 trường hợp với 98 giấy/81ha, UBND xã Đắk Som không thành lập hội đồng tư vấn xét, cấp GCNQSDĐ theo kế hoạch trong thủ tục thực hiện.
Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, đối với việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, qua thanh tra phát hiện một số hồ sơ cho phép chuyển mục đích nhưng không phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất theo quy định.
Ngoài ra, năm 2020, 2021, khu vực xã Đắk Som có nhiều cá nhân là người có hộ khẩu ngoài tỉnh Đắk Nông xin chuyển mục đích sử dụng đất sau khi nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp, sau đó tách thửa nhằm mục đích phân lô, bán nền tại khu vực Bon B’Nơr, rao bán trên mạng xã hội Khu Tà Đùng Grandview Villas 1…
Xảy ra tình trạng kinh doanh đất đai tự phát, đẩy giá đất thực tế giao dịch trong khu vực lên cao so với giá khai thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai, nhưng các cơ quan liên quan không kịp thời theo dõi, nắm bắt, đề xuất biện pháp quản lý, xử lý, ngăn chặn tình trạng trên.
Bên cạnh đó, đối với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, quá trình quản lý diện tích đất được giao một số vị trí tại khu vực quanh hồ còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý kịp thời các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất đai trái phép trên diện tích đất lâm nghiệp được Nhà nước giao quản lý tại Tiểu khu 1809 xung quanh hồ Tà Đùng. Đơn vị để xảy ra 4 trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất trái phép 10.765m2 xây dựng công trình, san ủi làm sân, đường; để người dân xâm chiếm, sản xuất nông nghiệp với diện tích 114ha, trong đó có 65 ha đất có rừng bị xâm chiếm sau năm 2017 so với hiện trạng rừng theo quy hoạch 3 loại rừng năm 2018. Các trường hợp vi phạm đã được cơ quan chức năng lập biên bản, quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng hiện trạng vẫn chưa khắc phục, chưa cưỡng chế giải tỏa.
Trong giai đoạn 2019 – 2021, UBND huyện Đắk Glong, UBND xã Đắk Som, Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc quản lý đất đai, quản lý xây dựng trên địa bàn xã Đắk Som còn hạn chế, chưa chặt chẽ, còn lúng túng. Nhiều trường hợp cá nhân, hộ dân xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích, san ủi đất trái phép… nhưng chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Từ năm 2018 – 2019, UBND huyện Đắk Glong chưa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đến năm 2020 mới ban hành 7 quyết định xử phạt, tuy nhiên việc xử lý vi phạm hành chính về đất đai của UBND huyện không quyết liệt, không đôn đốc, không cưỡng chế việc chấp hành xử phạt vi phạm. Các trường hợp vi phạm chưa chấp hành nộp số tiền hơn 137 triệu đồng, chưa khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình, khôi phục hiện trạng nhưng UBND huyện Đắk Glong chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế.
Ngoài ra, việc chấp hành trật tự xây dựng, sử dụng đất đai khu vực xung quanh hồ Tà Đùng và trung tâm xã Đắk Som cũng được Thanh tra tỉnh Đắk Nông nêu rõ hàng loạt sai phạm. Để nhiều trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, làm đường trái phép trên đất quy hoạch 3 loại rừng UBND xã quản lý. Đồng thời, trên địa bàn xã có vi phạm sử dụng đất sai mục đích, không xin phép chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích hơn 1ha tương đương số tiền sử dụng đất ở, sử dụng đất kinh doanh thương mại tạm tính theo đơn giá UBND tỉnh ban hành là hơn 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số công trình nhằm mục đích kinh doanh du lịch, lưu trú, homestay, nhà hàng xung quanh khu vực hồ Tà Đùng từ năm 2018 – 2021 được xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, không có giấy phép xây dựng…
Theo Thanh Tra