Mới đây, cùng với Đoàn chuyên gia UNESCO đi khảo sát thực địa ở huyện Đắk Glong, chúng tôi đã có dịp ghé qua một số bon làng người Mạ và được nghe đồng bào kể những truyền thuyết thú vị xung quanh núi Tà Đùng.
Ngày xưa, bon B’Nâm là một vùng đất bằng phẳng, đất đai trù phú, cây cối xanh tốt nhưng mỗi khi có mưa bão thì bon làng đều bị ngập chìm trong nước, dân làng không có nơi trú ngụ nên cuộc sống rất cơ cực. Thương dân làng nên già làng Tang Klao Ca đã lặn lội băng rừng, vượt suối đi mời 2 anh em thần Dit và thần Dri đến để giúp đỡ. Sau khi có lời nhờ cậy, 2 thần đã đến gặp thần Cột Vồng (vị thần cai quản biển lúc bấy giờ) để xin vài ngọn núi về đặt gần bon B’Nâm nhằm bảo vệ dân làng. Được thần Cột Vồng đồng ý, cả hai vị thần đã dùng dây mây kéo núi về đặt xung quanh bon làng. Núi kéo trước gọi là núi Cha, núi kéo sau là núi Mẹ…
Sau khi các ngọn núi được kéo về, già làng Tang Klao Ca cùng với bà con tổ chức lễ cúng tạ ơn trời đất, cảm ơn các vị thần đã che chở và mời các vị thần cai quản các ngọn núi về tham dự, chung vui với bon làng. Tại lễ cúng, bà con vui vẻ đánh cồng chiêng, ăn uống no say và trò chuyện thâu đêm bên bếp lửa hồng. Bỗng nhiên, khi trời gần sáng có một trận bão tuyết tràn về phủ trắng toàn bộ bon làng B’Nâm, khiến dân làng rất khốn đốn. Điều kỳ lạ là sau trận bão tuyết đó, mọi lễ vật trong lễ cúng đều biến thành đá.
Người dân rất hoang mang, lo sợ và được thần Siêng Rút – vị thần cai quản bon báo mộng rằng, sở dĩ có trận bão tuyết là do bon làng khi tổ chức lễ cúng đã không mời thần Ba Trặ nên thần mới nổi giận (Ba Trặ là nơi trú ngụ của loài chim phượng hoàng) và muốn thoát khỏi cảnh tuyết phủ thì phải làm lễ cúng tạ lỗi. Vậy là bon làng lại thêm lần nữa tổ chức lễ hội và thần Ba Trặ và các vị thần khác cũng được mời dự. Sau lễ tạ lỗi, khu vực núi Cha mọc lên rất nhiều cây mía to, mấy người ôm không xuể. Từ đó, người dân đặt tên cho núi Cha là B’Nâm Tào Dung (núi có cây mía to). Về sau núi B’Nâm Tào Dung được gọi là núi Tà Đùng.
Riêng những nơi có băng tuyết bỗng hóa thành những tảng đá lớn, lấp đầy cả một vùng rộng lớn, sông, suối đều có đá to nằm trơ trọi. Đặc biệt ở khu vực này còn có đá Trống (loại đá dùng trong lễ hội), khi gõ vào đá phát ra âm thanh thánh thót nghe rất vui tai. Và khi gõ, mọi người phải nghiêm trang, tôn kính, không được chọc phá nô đùa trên đá Trống. Ai có ý xúc phạm thì sẽ bị thần linh trừng phạt.
Theo lời kể của ông K’Kệ ở bon B’Nâm, xã Đắk P’lao (Đắk Glong)
Ngày nay, cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng đồng bào Mạ nơi đây vẫn luôn ghi nhớ và thường xuyên kể cho con cháu nghe các câu chuyện liên quan đến núi Tà Đùng. Mỗi khi có điều kiện, bà con, bon làng lại cùng nhau tổ chức các lễ cúng thần rừng, lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới…
Đặc biệt, để ghi nhớ truyền thuyết hình thành các núi đá, bà con cũng đã quyên góp kinh phí, công sức và xin phép chính quyền xây dựng miếu thờ thần đá ngay cạnh quốc lộ 28. Bà con thường xuyên lui tới chăm nom miếu đá và xem đây như một bảo vật linh thiêng cần được gìn giữ và lưu truyền cho muôn đời sau.
Ông K’Krong ở bon Đắk P’lao cho biết: “Mỗi khi đi làm rẫy về, bà con đều dừng lại đây để nghỉ ngơi, trao đổi nhiều chuyện làm ăn. Ngoài việc mang tính tâm linh, việc thờ cúng và bảo vệ miếu thờ thần đá cũng là cách bà con động viên nhau đoàn kết, phát triển kinh tế, xây dựng bon làng ngày càng giàu đẹp”.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng
Theo Báo Đak Nông